Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Học Hỏi Kinh Thánh (2)


Bạn thân mến,

Thiên Chúa là đấng toàn năng, Người chỉ cần phán một lời là có thể tạo dựng bất cứ sự gì; vậy thì tại sao Người lại cần tới 7 ngày để tạo dựng trời đất và chúng ta? Có bao giờ bạn thắc mắc như vậy không? Nếu có thì tôi xin được hân hoan đón chào bạn là một hội viên mới, hội viên danh dự và đáng kính của ‘Nhóm Nhiều Théc Méc’ mà tôi cũng là một hội viên. Tôi trở thành hội viên của nhóm này vì trong Kinh Thánh, từ quyển đầu tiên là Sách Khởi Nguyên hay Sáng Thế Ký, cho đến cuốn chót là Sách Khải Huyền, có rất nhiều chỗ, nhiều điều làm cho tôi phải thắc mắc. Nếu bạn đọc Kinh Thánh và có thắc mắc, thì tự động bạn là hội viên của nhóm này. Không cần phải nạp đơn xin gia nhập, không phải đóng niên liễm, mà cũng chẳng cần phải hội đủ bất cứ điều kiện nào khác. Những công việc mà hội viên của nhóm này phải làm cũng vậy, rất dễ. Bạn chỉ cần tìm câu trả lời cho những thắc mắc về Kinh Thánh của mình rồi chia xẻ với người khác, có vậy thôi. Bạn đã sẵng sàng gia nhập nhóm này chưa? Tôi thì, như đã nói, tôi đã gia nhập nhóm này rồi, và hôm nay tôi xin được chia xẻ với bạn vài tư tưởng về câu hỏi trên.

Bạn thân mến, nếu tôi hay ai đó nhờ bạn dạy bài toán 2 + 3 là mấy thì bạn cần bao nhiêu thời gian chuẩn bị để có thể chu toàn công việc này? Tôi chắc chắn là bạn không cần thời gian để chuẩn bị. Bạn chỉ cần đi thẳng vào lớp học, ‘phán một lời’ 2 + 3 là 5. Thế là xong! Ði lãnh lương, đúng không bạn? Nhưng thôi, để chuyện dạy bài toán này sang một bên đi, vì đối với bạn, chuyện này quá dễ mà chắc cũng chẳng có gì là lý thú hết. Vậy để khỏi nhàm chán, tôi xin được hỏi bạn có con không? Cho là bạn có con đi nhé. Một hôm bạn nhìn đứa con thân yêu của mình, đứa con mà bạn thương yêu hết lòng, đứa con mà bạn đặt hết kỳ vọng vào nó. Bạn mong muốn nó trở thành một nhà toán học nổi danh để nó vinh danh và làm rạng rỡ dòng giõi, tên tuổi bạn. Vì thế bạn hoạch định một chương trình giáo dục quy mô cho nó. Bạn mở trương mục để dành tiền cho nó vào đại học. Và để chắc chắn là ước nguyện của bạn được thành toại; bạn bắt đầu dạy nó học toán ngay từ lúc nó còn bé thơ. Nhưng bạn bắt đầu dạy con bạn học toán như thế nào? Con bạn còn bé, nó chưa biết toán cộng là gì cả. Bạn có bắt đầu ngay bằng một bài toán, dù là bài toán rất đơn giản như bài toán 2 + 3 ở trên, bắt nó phải ngồi xuống học hay ra lệnh cho nó: Con, lại đây học toán! Rồi dõng dạc từng chữ một, bạn ‘phán một lời’, 2 cộng 3 là 5. Bạn có làm như vậy không? Chắc chắn là không rồi. Nếu bạn làm như vậy thì con bạn sẽ trở thành một một nhà toán học lừng danh, nhưng không lừng danh vì giỏi toán mà lừng danh vì dốt toán đó bạn ạ! Ðùa tí thôi, chứ có ai mà làm như vậy đâu! Bạn biết bộ óc non nớt của một đứa bé chưa biết toán cộng là gì, đâu có hiểu ngay được một bài toán, dù là một bài toán rất đơn giản. Vậy bạn làm sao? Tôi chắc chắn là vì yêu thương đứa con của mình, bạn không muốn nó cảm thấy khó khăn rồi đâm ra chán nản. Vì yêu thương đứa con của mình, bạn muốn vừa dạy nó học, vừa dùng thời gian này để bày tỏ tình yêu của bạn dành cho nó. Và để cha con được gần gũi khắn khít với nhau, nên thay vì bắt nó phải học cho lẹ, thuộc bài cho mau, bạn chuẩn bị kỹ càng rồi từ từ dạy nó học.

Có thể sự chuẩn bị của bạn bắt đầu bằng cách dẫn nó đi mua những con số bằng gỗ đủ mầu, rồi dạy cho nó biết nhận diện những con số, dạy cho nó đếm, sau đó bạn mới dạy nó làm toán. Cũng có thể sự chuẩn bị của bạn bắt đầu bằng những trò chơi, rồi trong khi chơi đùa với con mình, bạn lồng vào những con số, cách đếm; thỉnh thoảng bạn lại chêm vào hai ba câu có liên quan đến cách cộng trừ cho phù hợp với trò chơi, và với khả năng hấp thụ của nó. Còn nhiều cách khác nữa, nhưng cách nào thì bạn cũng cần phải có thời gian, có thể là hằng tuần, hằng tháng. Tại sao bạn lại cần tới hằng tuần, hằng tháng để dạy một bài toán quá đơn giản như vậy? Tôi tưởng bạn có khả năng ‘phán một lời’ là có đáp số cho bài toán đơn giản này cơ mà? Phải rồi, tôi hiểu rồi! Bạn có thể ‘phán một lời’ là có thể giải được bài toán đó, nhưng vì bộ óc non nớt của đứa con mà bạn thương yêu nên bạn bỏ ra, chứ không phải là bạn cần hằng tuần, hằng tháng để dạy nó. Chẳng những thế, bạn còn sẵn sàng và vui vẻ làm như vậy vì bạn yêu thương con của bạn, đúng không? Vậy tình yêu của bạn, tình yêu của một thụ tạo nay còn mai mất, mà còn thúc đẩy bạn hy sinh được đến như vậy; thử hỏi tình yêu Thiên Chúa, tình yêu của Ðấng Tối Cao, thì tình yêu ấy còn thúc đẩy Người làm cho chúng ta những việc lạ lùng đến như thế nào nữa? Ðúng như vậy, thưa bạn! Chỉ vì tình yêu vô bờ mà Thiên Chúa sẵn sàng làm cho chúng ta nhiều việc lạ lùng.

Việc lạ lùng đầu tiên là Người tạo dựng chúng ta và muôn loài. Khi tạo dựng chúng ta và muôn loài, Người có thể phán một lời là có được mọi sự, nhưng Người đã không làm như vậy. Như một bà mẹ chuẩn bị tất cả những gì bà có thể làm được trước khi sanh con; Thiên Chúa cũng đã bỏ ra, chứ Người không cần 7 ngày để chuẩn bị cho công cuộc tạo dựng chúng ta. Như một người cha sẵn sàng hy sinh công sức và thời gian để dạy dỗ đứa con của mình; Thiên Chúa cũng bắt đầu công cuộc tạo dựng chúng ta từng bước một; để khi ra đời, chúng ta thấy được là mọi sự đã sẵn sàng, đã được chuẩn bị cách chu đáo cho chúng ta; nhờ đó, bộ óc non nớt của chúng ta mới có thể thấy được tình yêu cao cả mà Thiên Chúa dành cho chúng ta thể hiện qua việc Người làm.

Việc lạ lùng kế tiếp là Thiên Chúa tạo dựng chúng ta nên như hình ảnh Người. Thật vậy, đây không những chỉ là một sự lạ lùng, mà còn là một hồng ân. Một hồng ân rất cao cả. Hồng ân được như hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta phải cùng nhau tìm hiểu xem Thiên Chúa tạo dựng chúng ta nên như hình ảnh Người nghĩa là thế nào, để chúng ta có thể cảm nhận được hồng ân cao cả này.  

Bạn thân mến, chắc chắn là bạn đã thấy rất nhiều ảnh phác họa chân dung Chúa Giêsu. Bức ảnh được giáo hữu Công Giáo tôn kính và nhắc đến nhiều nhất trong gần hai thập niên qua là bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Tôi nói đến bức ảnh này vì đây là bức ảnh cho chúng ta ý niệm mới nhất về vóc dáng Chúa Giêsu trong thân xác con người. Theo như bức ảnh này và nhiều bức ảnh phác họa chân dung Chúa Giêsu khác, thì tất cả chúng ta, nếu xét một cách tổng quát về hình dạng, chúng ta không ai là không nhìn giống như hình của Chúa Giêsu hết, đúng không? Vậy chúng ta được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là gì? Trước hết, là con người, chúng ta khác với các sinh vật khác ở chỗ chúng ta có thân xác và linh hồn. Các sinh vật khác không có linh hồn. Cho nên chúng ta được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa là, về thân xác tức về hình, chúng ta nhìn giống như hình ảnh của Thiên Chúa. Có vậy thôi! Ðơn giản quá phải không bạn? Thế nhưng..., đây mới là chỗ rắc rối đó bạn ạ! Thế nhưng bạn phải hiểu điều rất quan trọng này, đó là giống như hình ảnh Thiên Chúa thì hoàn toàn khác với giống như Thiên Chúa. Tôi chắc chắn bạn nhận ra sự khác biệt này, tôi chỉ xin được chia xẻ với bạn những nhận xét của tôi về sự khác biệt này như sau.

Bạn có một tấm hình nào, vẽ hay chụp chính bạn không? Bạn hãy nhìn vào tấm hình hay bức chân dung đó đi. Bạn thấy ai vậy? Chính là bạn phải không? Thưa không! Không phải là chính bạn mà chỉ là hình của bạn thôi. Hình của bạn và chính bạn khác nhau xa lắm! Hình của bạn là một vật vô tri vô giác; còn bạn..., bạn là một thụ tạo có sinh hồn, giác hồn, và cao trọng hơn thế, bạn còn có linh hồn. Hình của bạn không có chiều sâu, mà chỉ là mặt phẳng; còn bạn, “The Lord God formed man out of the clay of the ground...” tức là bạn được đắp, được tạc chứ không phải là được vẽ nên bạn có chiều sâu. Nói cách khác, hình của bạn thuộc về không gian hai chiều; bạn thuộc về không gian ba chiều. Vậy hình của bạn có thể so sánh với chính bạn được không? Thưa không, không thể so sánh được về bất cứ phương diện nào. Bạn hãy nghĩ thêm về điều này là nếu bạn có một tấm hình nào của bạn mà bạn yêu thích; yêu thích đến độ bạn quyết định tạc hay nhờ người tạc một bức tượng dựa theo tấm hình đó. Khi hòan thành, bức tượng đó là bức tượng được tạo dựng nên như hình ảnh của bạn. Nó chỉ gợi lại hình ảnh thân xác con người bạn ở một thời điểm nào, chứ nó không thể phô bày sự sống của bạn nên nó chỉ như bạn về hình chứ không thể như bạn về tính được. Còn nếu bạn có con, đứa con được cưu mang và sinh ra trong huyết nhục của bạn thì lại khác. Ðứa con đó, cho dù là không đồng phái với bạn, nó vẫn giống bạn, giống cả ‘tính’ lẫn ‘hình’. Bạn đồng ý với tôi là giống như hình ảnh Thiên Chúa thì hoàn toàn khác với giống như Thiên Chúa rồi chứ? Chúng ta được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa cũng như vậy; như pho tượng được tạc phỏng theo một tấm hình, tấm hình của Thiên Chúa. Vậy từ những nhận xét này, bạn thử tưởng tượng xem, hình của Thiên Chúa khác với Thiên Chúa như thế nào? Chắc chắn là khác nhau xa lắm! Có thể nói là hình ảnh của Thiên Chúa khác với Thiên Chúa đến độ ngày nào tấm hình của bạn hiểu được sự khác biệt giữa nó và bạn, thì ngày ấy hình ảnh Thiên Chúa, tức là bạn và tôi, cũng sẽ hiểu được sự khác biệt giữa chúng ta và Thiên Chúa. Sự khác biệt này tựu trung lại ở chỗ chúng ta thuộc về nhân tính; Thiên Chúa thuộc về Thiên Tính. Chúng ta được tạo dựng, Thiên Chúa tự mình mà có. Cho nên, tuy được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta không thể so sánh với Thiên Chúa được. Ðó là so sánh về hình. Ðể có được một khái niệm là chúng ta được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa về tính như thế nào; chúng ta hãy cùng nhau trở lại Sáng Thế Ký chương 1câu 26: Then God said, "Let us make man in our image, after our likeness; and let them have dominion over the fish of the sea, and over the birds of the air, and over the cattle, and over all the earth, and over every creeping thing that creeps upon the earth." Theo câu này thì khi Thiên Chúa quyết định: “Let us make man in our image, ...” là lúc Thiên Chúa lấy đất sét mà tác tạo chúng ta nên như hình ảnh Người, lúc đó chúng ta vẫn chỉ còn là một tượng đất vô tri vô giác. Nhưng khi Người tiếp “... , after our likeness; ...” thì lúc đó là lúc Thiên Chúa thổi hơi của Người vào chúng ta. Khi thổi hơi vào chúng ta, Người thổi cái gì? Vì Thiên Chúa là Sự Sống, nên khi thổi hơi vào chúng ta, chúng ta liền có sự sống. Thiên Chúa là Ðàng, nên khi thổi hơi vào chúng ta, chúng ta liền có khả năng nhận biết đâu là đường ngay nẻo chính, và chúng ta có khả năng phân biệt lành dữ. Vì Thiên Chúa là Sự Thật, nên khi thổi hơi vào chúng ta, chúng ta cũng nhận được khả năng phân biệt chân hay giả, đúng hay sai, và chúng ta biết lựa chọn. Thiên Chúa là Tình Yêu, nên khi Người thổi hơi vào chúng ta là chúng ta có được khả năng yêu thương mọi người, mọi loài, mọi vật, nhất là khả năng yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa là Nguồn Mọi Sự Thánh Thiện nên khi Người thổi hơi vào chúng ta, chúng ta được trở nên thụ tạo duy nhất có khả năng trở nên thánh thiện. Tất cả những khả năng mà Thiên Chúa thổi vào chúng ta này làm cho chúng ta được trở nên như hình ảnh bản tính Thiên Chúa, tức chúng ta nên như hình ảnh Thiên Chúa về tính. Nói cách ngắn gọn là Thiên Chúa thổi linh hồn, thổi thần khí của Người vào chúng ta. Ðây là phần mà các sinh vật khác không có. Chúng ta được nên như hình ảnh bản tính Thiên Chúa là như vậy. 

Nhưng làm sao chúng ta biết được là Thiên Chúa thổi những ‘tính’ này vào chúng ta? Thưa vì khi tác tạo mọi sinh vật khác, Thiên Chúa đã chỉ phán một lời là chúng có sự sống, tức là Người làm cho chúng được sống bằng quyền năng của Người, còn khi ban sự sống cho chúng ta thì Thiên Chúa không phán một lời, mà Người thổi hơi của người vào chúng ta, tức là Người cho chúng ta sự sống bắt nguồn từ chính Người. Bạn tin Thiên Chúa là sự sống mà, phải không? Bạn cũng biết hơi thở là sự sống nữa mà, phải không? Vậy bạn có thấy được sự khác biệt trong cách mà Thiên Chúa ban sự sống cho các sinh vật khác và cho chúng ta ở chỗ thổi hơi và không thổi hơi là sự khác biệt nào không? Thưa chính là những ‘tính’ mà tôi vừa nêu ra. Nếu bạn nghĩ là con chó, hay bất cứ một con vật nào, cũng có sự sống như chúng ta nên thổi hơi hay không thổi hơi đâu có khác gì thì bạn sai rồi. Tôi vừa nói là mọi sinh vật khác sống được là vì Thiên Chúa làm cho chúng sống bằng quyền năng của Người, nên khi chúng chết là hết. Còn chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống từ chính Người; mà sự sống từ Thiên Chúa thì vĩnh cửu, đời đời, không bao giờ chết được; nên khi chúng ta chết thì không hết. Chính vì thế mà sự sống của các sinh vật khác không thể so sánh với sự sống của chúng ta được. Vậy người bạn rất thân yêu của tôi ơi, xin bạn đừng lầm. Nếu bạn không tin thì thiệt thòi cho bạn lắm đó. Tôi biết tôi không giải thích được cách rõ ràng sự khác biệt giữa sự sống của các sinh vật khác và sự sống của chúng ta, nhưng xin bạn nghĩ thêm về điều này. Bạn biết ngày nay khoa học đã quá tiến bộ. Nhiều kỹ sư có thể chế được những người máy có khả năng làm được nhiều việc như chúng ta. Giả sử như, một ngày nào đó, các kỹ sư có thể chế tạo được người máy ‘sống’ như chúng ta; thì những người máy này ‘sống’ được là vì các kỹ sư làm cho chúng sống; nhưng nếu những kỹ sư này có con, thì sự sống của con cái họ là sự sống từ họ mà ra. Hai sự sống này khác nhau lắm! Sự sống của các sinh vật khác không so sánh với sự sống của chúng ta được là như vậy đó bạn ạ!

Người bạn rất thân yêu của tôi ơi, tôi vừa chia xẻ với bạn khái niệm về việc lạ lùng thứ hai mà Thiên Chúa làm cho chúng ta, đó là Người đã tạo dựng chúng ta nên như hình ảnh Người. Nhưng có được một khái niệm thế nào là được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa thôi thì chưa đủ; vì như tôi chia xẻ ở trên, được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa không phải chỉ là một sự lạ lùng, mà còn là một hồng ân. Vì thế chúng ta phải cùng nhau tìm hiểu xem tại sao được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa lại là một hồng ân? Hồng ân này cao cả đến như thế nào?

Thưa bạn, có bao giờ có người nào nói với bạn là bạn nhìn giống một người thân nào đó của họ hay nói là bạn nhìn giống một người nào đó không? Thú thật với bạn, chuyện này xảy đến với tôi nhiều lắm. Nhưng tạ ơn Chúa, chưa bao giờ tôi ‘được’ ai nói là tôi nhìn giống người mà tôi không thích hết. Tôi dự một buổi họp Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Ðình; tự nhiên có cặp vợ chồng kia đến đứng trước mặt tôi trong giờ giải lao, chồng chỉ tôi rồi hỏi vợ: Em à, Anh Tuyến này nhìn giống cậu Trác nhà mình quá phải không? Vợ chưa kịp trả lời thì chồng tiếp: Giống có đến 90%! Vừa thấy là anh giật mình, tưởng là cậu Trác. Chị vợ hơi thẹn vì sự đột ngột của chồng, nhưng chị nhìn tôi chăm chú, một hai giây im lặng qua đi rồi với một giọng thật dịu dàng chị trả lời: Ừ, giống thật! Tôi đứng chết trân, chưa biết nói gì thì một cách khéo léo chị tiếp: Cậu Trác nhà tôi ai cũng quý; người hiền lành lại vui vẻ. Tôi cảm thấy tự nhiên trở lại và vui vẻ bắt tay chào hai anh chị. Tôi cũng thấy vui vì được giống như một người mà ai cũng quý; được giống như một người hiền lành, vui vẻ. Lần khác trong một thương xá, kẻ qua người lại tấp nập. Gặp người đồng hương ở những nơi đông đúc như vậy là thường, nhưng lần này thì hơi khác. Ði ngược chiều với tôi là một bà ở tuổi trung niên. Còn cách nhau có đến 10 thước, bà đã bắt đầu nhìn tôi chăm chú. Càng tiến lại gần nhau tôi càng thấy rõ là bà đang dán mắt vào tôi. Khi khoảng cách giữa hai người chỉ còn hơn một cánh tay với thì bất thình lình bà cúi đầu: Chào cha ạ! Tôi đùa đáp lại: Dạ, không dám, chào con! Tôi biết là bà nhìn lầm tôi với môt linh mục nào đó, nhưng ý nghĩ là mình được nhìn giống như một linh mục làm tôi thấy cũng vui vui. Bạn thân mến, chắc là một vài trường hợp tương tự cũng đã xảy đến với bạn. Chắc bạn cũng đã nghe lắm trường hợp người này lầm với người khác, và thường thì người ta vui khi được nhìn lầm với người được người khác kính yêu. Ðúng không, thưa bạn? Bạn hãnh diện khi có người nói là bạn nhìn giống một nhân vật nổi danh, tài giỏi. Bạn hoan hỉ vì mình nhìn giống như một minh tinh điện ảnh xinh đẹp hay một tài tử bảnh trai giàu có. Nói chung thì chúng ta ai cũng hài lòng khi được nhìn lầm với bất cứ người nào giỏi hay nổi danh trong bất cứ lãnh vực nào. Vậy bạn nghĩ thế nào khi có người nói với bạn là bạn giống như hình ảnh Thiên Chúa?  Ðây là điều được viết trong Kinh Thánh đó bạn ạ! Biết là mình được giống như hình ảnh Thiên Chúa bạn cảm thấy thế nào? Theo tôi, khi biết mình được giống như hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta phải bàng hoàng trong niềm hãnh diện tột cùng. Chúng ta phải ngây ngất trong niềm vui khôn tả. Nhất là chúng ta phải lịm đi khi cảm nghiệm được hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đó là được tạo dựng nên như hình ảnh Người. Tiếc thay nhân loại u mê! Ai cũng vui khi biết là mình được nhìn giống như ông nọ bà kia, đến khi được nhìn giống như hình ảnh Thiên Chúa thì lại chối bỏ. Không! Tôi không muốn được giống như hình ảnh Thiên Chúa! Tôi muốn được giống như khỉ cơ! Ôi! Có sự phạm thượng nào lớn hơn sự phạm thượng này không? Thật là không thể tưởng tượng được! Là người Công Giáo, chúng ta cũng phải cẩn thận đấy. Vì khi chửi rủa, nhục mạ, nói hành, nói xấu người khác là lúc chúng ta chỉ hình Thiên Chúa mà chửi, mà mắng đó. Chớ có dại! Phải nhớ lời nhắn nhủ trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô chương 3 câu 10: “Ai yêu sự sống và muốn hưởng phúc bình an thì phải giữ gìn miệng lưỡi, chớ có thốt ra những điều gian ác cũng không nói lời gian tà.”

Bạn thân mến, tôi vừa chia xẻ với bạn hai việc lạ lùng mà Thiên Chúa làm cho chúng ta. Việc thứ nhất là Người tạo dựng chúng ta và muôn vật. Việc thứ hai là Người tạo dựng chúng ta nên như hình ảnh Người. Tôi cũng nói đến một hồng ân rất cao cả; hồng ân được như hình ảnh Thiên Chúa. Những việc lạ lùng mà Thiên Chúa làm cho chúng ta, và những hồng ân Người ban cho chúng ta cũng còn nhiều lắm. Tiếc rằng thư đã dài và tôi xin được chia xẻ thêm với bạn trong lá thư sau. Xin bạn tiếp tục học hỏi Kinh Thánh, nhất là “Hãy ca tụng Chúa bằng bài ca mới, vì Người đã làm những việc lạ lùng! Tay phải Người là cánh tay toàn năng đem lại cho Người mọi chiến thắng.” Thánh Vịnh 98:1. Xin Chúa chúc lành cho bạn và mọi người trong gia đình bạn.


Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,
Giuse Phạm Văn Tuyến


Viết xong tại Charlotte, NC ngày 5 tháng 5, 2012
Ðể thân tặng quý anh em trong Ðoàn Liên Minh Thánh Tâm
Giáo Xứ Thánh Giuse

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Học Hỏi Kinh Thánh

Bạn thân mến,

Nếu như tôi được khuyên bạn một điều, thì tôi xin được khuyên bạn là hãy học hỏi Kinh Thánh. Tại sao? Nếu bạn có hỏi thì thú thực, tôi không có lý lẽ gì cao siêu để giải thích cho bạn, mà tôi cũng chẳng biết làm sao để thuyết phục bạn cho được, nhưng tôi xin được chia xẻ với bạn lý do đã thúc đẩy tôi học hỏi Kinh Thánh.

Một cuối tuần, có lẽ cũng đã hơn hai mươi năm về trước, tôi thấy mình buồn chán vì rảnh rỗi không có gì làm. Tôi vốn là một người rất năng động, ngồi yên là không được, và cuối tuần này cũng vậy. Ði tới đi lui tìm việc, tôi đã quyết định là phải dọn lại cái tủ sách cho gọn ghẽ. Sau hơn hai tiếng đồng hồ sắp xếp, đứng nhìn tủ sách sạch sẽ gọn gàng, tôi cảm thấy rất hài lòng. Ðưa mắt nhìn từng ngăn tủ, từng cuốn sách, lòng tôi thấy vui. Những ý nghĩ miên man bắt đầu tới; từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, óc tưởng tượng của tôi bắt đầu phiêu du. Rồi cứ thế, tối thả hồn đưa mình về những ngày đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nhớ lại những khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng, những vụng dại trong cách cư xử do sự khác biệt trong các phong tục tập quán. Cái gì cũng xa lạ hết, vậy mà bây giờ tôi đã tốt nghiệp đại học. Có công ăn việc làm, có nhà, có xe, có mọi thứ cho những nhu cầu cần thiết. Tôi cảm thấy tự mãn, mà hình như còn hơn tự mãn nữa; tôi thấy như có một chút kiêu hãnh nhen nhúm trong lòng. Tôi tự khen mình, giỏi thật! Rồi như để chứng minh cái giỏi của mình, tôi bắt đầu đếm xem mình đã phải đọc, phải học bao nhiêu cuốn sách để có thể tốt nghiệp đại học. Từ những cuốn toán dầy cộm, đến những cuốn lý, hóa, khoa học vật liệu, tĩnh học, động học, thôi thì đủ các môn, các sách, nhưng tôi bỗng khựng lại, gần như giựt mình, khi tôi đếm đến cuốn Thánh Kinh. Phải rồi, tôi tự nghĩ, mình có đọc cuốn này bao giờ đâu mà đếm! Tôi mua cuốn Thánh Kinh này đã sáu bảy năm về trước; chẳng phải vì tôi muốn đọc, hay vì ngoan đạo, mà vì tôi muốn ủng hộ một cơ quan nào đó mà tôi quên mất, họ bán Sách Thánh để gây quỹ. Tôi đặt cuốn Thánh Kinh này ở ngay giữa tủ sách, ngăn cao nhất và có đèn chiếu sáng. Tôi thấy cuốn Thánh Kinh này gần như hằng ngày nhưng tôi chưa bao giờ đọc nó hết. Ðứng đó nhìn cuốn Thánh Kinh lòng tôi bỗng thấy nao nao. Niềm kiêu hãnh, lòng tự mãn, mọi ý nghĩ, mọi hình ảnh vừa tràn ngập óc tưởng tượng của tôi mấy phút trước tự dưng biến tan. Trong khoảnh khắc, hồn tôi bỗng như trống rỗng. Tôi tự hỏi sao mình chưa đọc cuồn sách này? Từ tiểu học, qua trung học, cho đến hết đại học, chỉ tính sách giáo khoa thôi, tôi đọc, không phải chỉ đọc mà còn phải học nữa, có tới ba trăm cuốn sách. Nếu tính các sách để tham khảo nữa thì có tới bốn trăm, cộng thêm sách vở báo chí để đọc cho vui, các tiểu thuyết vô bổ, tất cả có lẽ tôi đã đọc đến năm sáu trăm cuốn sách; thế mà Kinh Thánh thì tôi chưa đọc bao giờ! Tại sao vậy? Ðứng đó như cây chết, hồn tôi trầm ngâm, tư lự. Tôi thấy như lòng mình dấy lên chút xao xuyến, hơi bồi hồi. Không phải cái xao xuyến của thuở vừa biết yêu; cũng chẳng là sự bồi hồi lúc trông ngóng người tình. Phải rồi..., không phải xao xuyến, cũng chẳng bồi hồi, mà là một tâm tư khó tả. Tôi còn đang miên man với tâm tư mông lung khó tả này, thì một ý nghĩ khác vọt đến làm tôi cảm thấy luyến tiếc. Tôi tiếc cho đời người ngắn ngủi! Sống được trăm năm đã kể là lâu, mà thực ra có mấy người sống được trăm năm! Năm năm đầu là thời thơ ấu. Trong năm năm này, ngoài là nguồn vui cho những người xung quanh, nguồn vui mà chính mình cũng không biết, thì giá trị cuộc đời vào những năm này có gì đâu? Có ai làm gì được cho mình, cho đời? Hai mươi lăm năm kế là thời gian để học, để chuẩn bị cho những năm sắp tới. Ba mươi năm sau lả thời gian để vật lộn, để ganh đua, để tìm kiếm. Rồi từ đó, những gì chúng ta tìm được, đạt được bắt đầu phai mờ, bắt đầu dần dần mất giá trị; vậy mà để đạt được những thứ chóng qua này, tôi đã phải đọc, phải học đến mấy trăm cuốn sách. Còn cho cuộc sống mai hậu, cuộc sống vĩnh cửu, thì chỉ có một cuốn Thánh Kinh thôi mà tôi chưa đọc bao giờ. Tôi dại thật! Từ đó tôi bắt đầu đọc và học hỏi Thánh Kinh.

Bạn thân mến, Thánh Kinh khó hiểu thật! Bạn có nhớ là tôi vừa tự khen mình là giỏi không? Tôi đã đọc, học và hiểu cả mấy trăm cuốn sách, thế mà cuốn Thánh Kinh thì tôi chịu không hiểu nổi. Tôi tưởng là tôi không không hiểu vì tôi đọc Kinh Thánh viết bằng Tiếng Mỹ, nhưng khi đọc Kinh Thánh viết bằng Tiếng Việt, tôi cũng chịu chết. Những chữ, những từ dùng trong Kinh Thánh thì tôi hiểu, nhưng ý nghĩa của những việc Chúa làm, những lời Chúa dạy, của những diễn biến, những sự việc xảy ra trong Kinh Thánh thì tôi đã đọc đi đọc lại, đọc đến nản lòng mà có rất nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu được. Tôi đã định bụng là phải đầu hàng, nhưng ngay khi tôi nản chí, thì trong tôi như lóe lên một tia sáng. Phải rồi, những sách giáo khoa mà tôi vừa kể ra ở trên, đâu phải tôi đã đọc là hiểu liền được đâu! Tôi cũng đã phải hỏi người này, nhờ người kia giải thích mới hiểu nổi đấy chứ. Thánh Kinh cũng vậy, nếu không hiểu thì bạn phải hỏi. Nhưng hỏi ai đây? Có rất nhiều người được ơn hiểu biết Thánh Kinh để cho chúng ta hỏi, nhưng người có thể giải thích, bất cứ cuốn sách nào, cách đúng nhất, chính là tác giả của cuốn sách đó. Thành ra, ngoài học hỏi Kinh Thánh từ những vị có thẩm quyền về Kinh Thánh, chúng ta còn phải hỏi ngay chính Chúa Giêsu. Tới đây chắc bạn phải phì cười. Hỏi Chúa Giêsu! Làm sao để hỏi Chúa Giêsu? Ðể tôi chia xẻ với bạn nhé. Tôi được một hồng ân, đó là từ khi bắt đầu học hỏi Kinh Thánh thì tôi nhận ra là ỏ gần nhà tôi, trong khoảng 15 dậm, luôn luôn có nhà chầu Thánh Thể thường xuyên (Perpetual Adoration), và tôi đã chọn một giờ chầu mỗi tuần. Ðây là giờ tôi dùng để tâm sự, để than thở, và nhất là để đem mọi thắc mắc của tôi đến để trình bày với Chúa Giêsu. Trong giờ này, có khi tôi chỉ đọc kinh, đọc sách, nhưng phần nhiều thì tôi chỉ ngắm nhìn Thánh Thể Chúa và suy nghĩ về những điều trong Thánh Kinh mà tôi không hiểu. Rồi bạn có biết không? Chính những lúc đó, những lúc mà tôi để hồn đắm chìn trong những đoạn Thánh Kinh khó hiểu, là lúc mà tôi hiểu được, tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Bạn cứ thử xem. Chúa Giêsu đã không hiện ra bằng xương bằng thịt để nói chuyện với tôi, chắc Ngài cũng không hiện ra như vậy với bạn đâu, nhưng tôi dám chắc là ban sẽ được ơn thông hiểu Lời Chúa đúng với đấng bậc của mình. Tôi đã hiểu được gì? Tất nhiên là tôi vẫn chưa hiểu hết được những gì viết trong Kinh Thánh, nhưng những hiểu biết tôi được ban cho thì cũng nhiều lắm. Tôi muốn được chia xẻ với bạn tất cả, nhưng trong phạm vi ngắn gọn của bài này; tôi chỉ có thể chia xẻ với bạn một chút, một chút nhỏ nhoi thôi để bạn có thể thấy được kho tàng tình yêu vô tận tàng ẩn trong Kinh Thánh. Khi thấy được kho tàng tình yêu này, tôi bảo đảm, bạn sẽ ghiền đọc Kinh Thánh.



Bạn thân mến, theo sách Sáng Thế Ký Chương 1 và 2 thì trong sáu ngày đầu, Chúa tạo dựng tất cả trời đất, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, biển cả sông ngòi, chim muông, cầm thú, cùng mọi sự, và Người nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, có đúng không? Đặc biệt là ngày thứ sáu, trong ngày thứ sáu Chúa tạo dựng cái gì là đặc biệt, đố bạn đó.
Thưa bạn, trong ngày thứ sáu Chúa tạo dựng con người. Khi tạo dựng con người; Chúa cũng tạo dựng cách rất là đặc biệt. Rất đặc biệt ở chỗ là khi tác tạo muôn loài, bất cứ sự gì, Chúa cũng chỉ phán có một lời. Hãy có mặt trời, là có mặt trời. Hãy có chim muông cầm thú, là có chim muông cầm thú. Nhưng khi tạo dựng con người thì Chúa lại đã không phán một lời để có con người. Vậy Thiên Chúa tạo dựng con nguời như thế nào? Kinh Thánh nói cách rất đơn giản, đó là “The Lord God formed man out of the clay of the ground...” Câu này tuy đơn giản nhưng lại tiềm ẩn một công trình tạo dựng rất phức tạp, vĩ đại, và quy mô. Ðể hiểu được chút nào những gì tiềm ẩn trong câu này, trước hết chúng ta hãy để ý đến chữ “The”. Chữ “The” là chỉ định từ xác định (definite article), chứ không phải là chỉ định từ bất định (indefinite article), tức là không phải Chúa đã dùng bất cứ cục đất nào mà phải là cục đất “được chỉ định này” mới được, và như thế là có sự định đoạt, có sự an bài. Nói theo cách làm việc của chúng ta là có kế hoạch.
Rồi để bổ túc cho sự định đoạt này là sự lựa chọn được diễn tả trong mệnh đề “out of the clay of the ground”. Sự lựa chọn này rất là quan trọnng, vì khi đã lựa chọn thì ai cũng chọn cho hợp ý mình, đúng không? Thiên Chúa cũng vậy, khi tác tạo chúng ta Người cũng đã lựa chọn một cục đất sét cho hợp với ý Người, chứ Người đã không dùng bất cứ cục đất sét nào, và Người làm như vậy để chúng ta thấy được sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho chúng ta. Một điểm quan trọng nữa, đó là Chúa đã chọn đất sét. Tại sao vậy? Tại sao Chúa không chọn cát, bùn, hay sỏi đá? Bạn biết khi còn ướt, đất sét mềm, dẻo, dễ nắn nót nói lên sự yếu đuối, uyển chuyển, dễ uốn nắn của con người. Khi đã khô, nhất là sau khi được nung nấu, đất sét rất cứng và bền nói lên sự bền bỉ, sức chịu đựng có chút nào cứng đầu và ương ngạnh của chúng ta. Ðất sét còn có đặc tính nối kết (cohesiveness) gắn bó với nhau nói lên sự gắn bó giữa con người với nhau và với Chúa. Cho nên khi chưa tác tạo chúng ta, thì Chúa đã làm nên đất sét cho mục đích này; để từ đó Người đã chọn làm công việc như một người thợ gốm, công việc được Tiên Tri Isaia diễn tả trong chương 64:8 của ông như sau : “Yet, O LORD, thou art our Father; we are the clay, and thou art our potter; we are all the work of thy hand.” Lý do nữa mà Chúa dùng đất sét là để nhắc nhở chúng ta hãy sống theo đường lối của Chúa; bằng không Chúa sẽ đối xử với chúng ta như Người tuyên phán qua Tiên Tri Jeremiah chương 18:2-4 như sau: (2) "Arise, and go down to the potter's house, and there I will let you hear my words." (3) So I went down to the potter's house, and there he was working at his wheel. (4) And the vessel he was making of clay was spoiled in the potter's hand, and he reworked it into another vessel, as it seemed good to the potter to do. Thành ra từ nguyên thủy, từ lúc tạo dựng chúng ta, Người đã chuẩn bị tất cả để sau này Người lại dùng các tiên tri mà nhắc nhở cho chúng ta thân phân của mình.
Chữ quan trọng nữa là động từ form. Form tức là nắn nót cho đúng với hay theo với một khuôn khổ nào, và theo Sách Sáng Thế Ký, chương 1 câu 26 thì Chúa formed, nắn nót chúng ta theo như hình ảnh Người. Sau cùng thì Chúa còn phải thở hơi của Người vào lỗ mũi của chúng ta, lúc đó chúng ta mới có sự sống. Con cá có sự sống không? Có chứ! Con chó có sự sống không? Có chứ! Nhưng Chúa có thở hơi của Người vào con cá hay con chó hay bất cứ một sinh vật nào khác không? Thưa không! Bạn thấy chưa, tôi đã nói sự tạo dựng con người của Thiên Chúa là một công trình phức tạp và quy mô chứ đâu có đơn giản. Nhưng tại sao vậy? Bạn có bao giờ đắp tượng hay nhờ ai đắp tượng của chính bạn chưa? Chắc là chưa vì ít có người làm như vậy lắm. Nhưng giả sử như bạn muốn đắp tượng của chính bạn thì bạn có bỏ công bỏ sức, bỏ hết mọi nỗ lực vào công việc này để cho pho tượng đó giống bạn và hợp ý bạn không? Nhất định là có rồi, phải không? Khi đã đắp được pho tương giống như bạn, pho tượng mà bạn rất hài lòng thì bạn có yêu thích, có trân quý, có đặt vào một chỗ thích hợp nhất trong nhà của bạn không? Tôi dám chắc là không riêng gì bạn, mà ai cũng làn như thế, và ngay cả Thiên Chúa cũng vậy, vì khi tác tạo chúng ta nên như hình ảnh Người, thì đó là lúc Người tạc pho tượng của chính Người, cho nên Người mới yêu thương chúng ta hơn mọi loài thụ tạo khác. Và cũng chính vì quá yêu thương chúng ta nên thay vì chỉ phán một lời để chúng ta có sự sống, thì Người lại cúi xuống thở hơi vào chúng ta để chúng ta có sự sống. Người thở hơi vào chúng ta như thế nào? Bạn có biết làm hô hấp nhân tạo theo phương pháp mouth to mouth không? Theo tôi thì Chúa thở hơi vào chúng ta như vậy đó, và như vậy là Chúa hôn chúng ta thì đúng hơn. Tôi nói Chúa hôn chúng ta vì Chúa yêu chúng ta qúa độ, mà hôn là một cách để biểu lộ tình yêu nên tôi mới nói Chúa hôn chúng ta, chứ tôi không có ý nói là Thánh Kinh sai. Xin đừng hiểu lầm. Bạn thân mến, bây giờ thì bạn thấy được tình yêu nồng nàn, tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho bạn rồi chứ? Bạn có vui không? Có cảm thấy sự có mặt của bạn trên đời này là một hồng ân cao cả không? Chưa hết đâu bạn ạ. Bạn có biết sau khi đã tác tạo và ban sự sống cho chúng ta thì Thiên Chúa làm gì không? Ðố bạn một lần nữa đó.
Thưa bạn, sau khi đã tác tạo và ban sự sống cho chúng ta thì Thiên Chúa nghỉ ngơi, và đó là ngày thứ bảy. Bạn trả lời có đúng không? Cám ơn bạn, nhưng câu đố kế tiếp này thì tôi chắc là bạn không có câu trả lời. Ðố bạn tại sao Chúa lai nghỉ vào ngày thứ bảy? Chúa mệt à? Không, nhất định là không! Bởi vì Thiên Chúa đâu có bị lệ thuộc vào môi trường, thời gian, không gian, hay bất cứ một đìêu kiện sinh hóa nào đâu mà mệt? Vậy thì tại sao Chúa nghỉ? Bạn có biết là tôi phải chầu Thánh Thể bao nhiêu lần mới có được câu trả lời không? Bây giờ tự nhiên tôi lại cho bạn câu trả lời được sao? Ðâu có dễ như vậy! Nhưng thôi, tôi sẵn sàng chia xẻ với bạn; chỉ xin bạn đọc một kinh Sáng Danh, đọc ngay bây giờ, để tán tụng, để ngợi khen, và để cảm tạ tình yêu cao vời của Thiên Chúa, rồi xin bạn đọc tiếp.
Bạn thân mến, trở lại chuyện đắp tượng ở trên. Khi bạn đắp tượng của bạn, nếu bạn thấy gì sai thì tất nhiên là bạn phải sửa; chỗ nào thiếu thì bạn thêm vào, chỗ nào thừa thì bạn bớt ra. Và giả như bạn không đồng ý với pho tượng chút nào hết, thì bạn có thể đập đi và làm lại, y như người thợ gốm ở trên vậy. Cứ như thế cho đến lúc bạn thấy thật hài lòng với pho tượng; đến lúc bạn thấy pho tượng của bạn không còn gì cần phải sửa chữa nữa, thì bạn ngưng, bạn nghỉ, không tiếp tục nữa vì công việc đã hoàn thành, có đúng không? Thiên Chúa cũng vậy, công trình tạo dựng vũ trụ của Người bắt đầu từ ngày thứ nhất, chưa ưng ý, Người tiếp tục sang ngày thứ hai..., thứ ba..., thứ tư..., thứ nam..., và sau cùng đến ngày thứ sáu, sau khi tạo dựng con người thì Người cảm thấy quá hài lòng với công việc của mình, Người đã thấy là công trình của Người đến đây là hoàn tất, nên Người ngưng, Người nghỉ. Bạn thấy chưa, Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ sau khi tạo dựng chúng ta rồi, thì Người không còn mưốn tạo dựng thêm một loài thụ tạo nào nữa. Người đặt chúng ta vào vị trí độc nhất vô nhị trong trái tim của Người. Bạn còn chờ gì nữa mà không đáp trả lại tình yêu cao vời này. Hãy học hỏi Kinh Thánh, bạn sẽ còn thấy nhiều điều lạ lùng khác.

Bạn thân mến, tôi vừa chia xẻ với bạn lý do tại sao tôi học hỏi Kinh Thánh. Tôi cũng đã trình bày với bạn những khó khăn và phương pháp tôi dùng để tìm câu giải đáp cho những gì tôi không hiểu khi học hỏi Kinh Thánh. Sau cùng tôi cũng đã chia xẻ với bạn một chút hiểu biết về Thiên Chúa mà tôi được ban cho. Trong sự chia xẻ này, tôi hy vọng bạn đã nhận ra là những gì viết trong Kinh Thánh thường là rất đơn giản nhưng lại khó hiểu. Nhưng bạn có biết không ? Sự đơn giản của Kinh Thánh chính là cái cửa của một lâu đài nguy nga cổ kính, nếu bạn không mở thì không bao giờ bạn có thể khám phá được những kho tàng chứa đụng bên trong. Sự khó hiểu của Kinh Thánh chính là lời mời: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa. Nếu bạn không tìm thì làm sao bạn gặp được đây? Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ mọi hồng ân xuống cho bạn để bạn có thể gặp gỡ Người, và nếu được xin bạn hãy phổ biến bức thư này. Khi phổ biến bức thư này xin bạn đừng sửa chữa gì. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi sửa sai, mọi ý kiến xây dựng, và nếu bạn muốn góp ý, xin bạn ghé thăm trang blog: http://tongdobacai.blogspot.com/


Thân ái mến chào trong tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria,

Giuse Phạm Văn Tuyến

Viết xong tại Charlotte, NC
Ngày 2 tháng 2, năm 2012
Ðể thân tặng người vợ mà tôi yêu quý

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Chúng Ta Làm Gì Với Thời Gian Chúa Ban?

Hãy dành thời gian để suy nghĩ Đó là nguồn sức mạnh.
Hãy dành thời gian để cầu nguyện Đó là sức mạnh toàn năng.
Hãy dành thời gian cất tiếng cười Đó là tiếng nhạc của tâm hồn.
Hãy dành thời gian chơi đùa Đó là bí mật trẻ mãi không già.
Hãy dành thời gian để yêu và được yêu Ưu tiên Thiên Chúa ban.
Hãy dành thời gian để cho đi Một ngày quá ngắn để sống ích kỷ.
Hãy dành thời gian đọc sách Đó là nguồn mạch minh triết.
Hãy dành thời gian để thân thiện Đó là đường dẫn tới hạnh phúc.
Hãy dành thời gian để làm việc Đó là giá của thành công.
Hãy dành thời gian cho bác ái Đó là chìa khóa cửa thiên đàng.
(Mother Teresa Of Calcutta)

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Ngày Hôm Nay

Ngày hôm nay, tôi sẽ tin rằng mình là người đặc biệt, một người quan trọng. Tôi sẽ yêu quý bản thân tôi với chính những gì tôi có và không so sánh mình với những người khác.

Ngày hôm nay, tôi sẽ tự lắng lòng mình và cố gắng trầm tĩnh hơn. Tôi sẽ học cách kiểm soát những cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Ngày hôm nay, tôi sẽ học cách tha thứ những gì người khác đã gây ra cho tôi, bởi tôi luôn nhìn vào hướng tốt và tin vào sự công bằng của cuộc sống.

Ngày hôm nay, tôi sẽ cẩn trọng hơn với từng lời nói của mình. Tôi sẽ lựa chọn ngôn từ và diễn đạt chúng một cách có suy nghĩ và chân thành nhất.

Ngày hôm nay, tôi sẽ tìm cách sẻ chia với những người bạn quanh tôi khi cần thiết, bởi tôi biết điều quý nhất đối với con người là sự quan tâm lẫn nhau.

Ngày hôm nay, trong cách ứng xử, tôi sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để lắng nghe những cảm xúc của họ, để hiểu rằng những điều làm tôi tổn thương cũng có thể làm tổn thương đến họ.

Ngày hôm nay, tôi sẽ an ủi và động viên những ai đang nản lòng. Một cái siết tay, một nụ cười, một lời nói của tôi có thể tiếp thêm sức mạnh để họ vững tin bước tiếp.

Ngày hôm nay, tôi sẽ dành một chút thời gian để quan tâm đến bản thân mình. Tôi sẽ làm tâm hồn và trí óc mình phong phú, mạnh mẽ hơn bằng cách học một cái gì đó có ích, đọc một cuốn sách hay, vận động cơ thể và ăn mặc ưa nhìn hơn.

Ngày hôm nay, tôi sẽ có một danh sách những việc cần làm. Tôi sẽ nỗ lực nhất để thực hiện chúng và tránh đưa ra những quyết định vội vã hay thiếu kiên quyết

Ngày hôm nay, tôi sẽ bỏ lại phía sau mọi lo âu, cay đắng và thất bại, khởi đầu một ngày mới với một trái tim yêu thương và hồn nhiên nhất. Tôi sẽ sống với những khát khao, mơ ước mà mình luôn ấp ủ.

Ngày hôm nay, tôi sẽ thách thức mọi trở ngại trên con đường mà tôi lựa chọn và đặt niềm tin. Tôi hiểu rằng, khó khăn là một phần của cuộc sống và chúng tồn tại là để tôi chinh phục và vượt qua

Ngày hôm nay, tôi sẽ sống hạnh phúc. Tôi sẽ trải rộng lòng để cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống, để yêu thương và tin tưởng những người tôi yêu quý, và những người thương yêu tôi. Tôi sẽ làm những việc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc: xem một bộ phim hài, làm một việc tử tế, giúp đỡ một ai đó, gửi một chiếc thiệp điện tử, nghe một bản nhạc yêu thích...

Và hôm nay, ngay bây giờ, tôi cảm nhận được hạnh phúc và sức sống mới để bắt đầu một ngày mới thật có ích - bất kể ngày hôm qua như thế nào.

Bạn cũng vậy nhé!
(sưu tầm)

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Người Quân Tử

Khổng Tử dạy rằng:

- Đức hơn tài là quân tử,

- Thấy người khôn, ta học, thấy người kém ta dạy, là người Quân Tử

- Người quân tử học không biết mệt, dạy không biết chán.

- Nhỏ phải răn mình về sự cạnh tranh, Lớn lên phải biết răn mình về sắc dục, đến già phải răn mình về tính tham lam.

- Người quân tử có ba điều sợ: Sợ mệnh trời, sợ người đức lớn và sợ lời nói của thánh nhân.

- Quân tử hòa mà không giống nhau,

- Nguười quân tử lúc khốn cùng thì giữ mình,

Ngược lại:

Tài hơn đức là tiểu nhân.

Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời nên không sợ,

khinh thường người có đức lớn, khinh rẻ lời nói của thánh nhân.

Tiểu nhân giống nhau mà không hòa.

Kẻ tiểu nhân lúc cùng thì làm bậy.

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Câu Chuyện Thứ 3

Ngày xưa Khổng Tử dẫn hai đệ tử tín cận trung thành nhất của ông đó là Thạch Giang và Thạch Châu cùng với 4 môn đệ khác qua nước Tề thăm nhà vua láng giềng . Vào một đêm khi thầy trò dừng chân tại vách núi nghỉ ngơi, Thạch Châu cùng với 4 môn đệ kia lên kiếm củi còn Thạch Giang ở nhà lo nấu cơm cho thầy trò ăn tối.
Họ rất thương yêu đùm bọc lẫn nhau, họ chia nhau từng nắm cơm đồng đều. Trong khi Thạch Giang đang nấu cơm thì bất thình lình Khổng Tử đi ngang qua thấy Thạch Giang đang bốc cơm ăn vụng. Thấy vậy KHổng Tử rất ngạc nhiên và tức giận, nhưng ông ta không nói gì, hằm hằm trong lòng, tại sao người đệ tử trung thành của ta lại phản bội làm điều xấu xa như thế này .....

Đến đêm khi Thạch Châu cùng với 4 môn đệ kiếm củi về, Thạch Giang dọn cơm cho mấy thầy trò ăn nhưng Thạch Giang không ăn. Khổng Tử hỏi Thạch Giang tại sao con không ăn? Thạch Giang trả lời, con đã ăn rồi . Lúc nãy khi cơm sôi con mở vung ra chẳng may mồ hóng, khói bếp đã rơi vào nồi cơm và khi cơm chín con đã xúc chỗ cơm dơ bẩn đó con ăn.

Nghe vậy Khổng Tử đứng dậy đi ra ngoài với bộ mặt sầu não, ủ rũ, ân hận và thốt lên "một tí nữa ta đã hiểu lầm đệ tử trung thành của ta".

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Câu Chuyện Thứ 2

Thầy trò Khổng Tử bỏ nước Lỗ lưu vong ra nước ngoài. Một hôm Khổng Tử gọi Tử Cống (một trong 72 học trò hiền của Khổng Tử) hỏi:

- Theo con, thế nào là người nhân, thế nào là người trí?

Tử Cống suy nghĩ một lát rồi đáp:

- Thưa thầy, người nhân là người biết thương người; người trí là người hiểu người.

Khổng Tử khen "hay". Rồi kêu Tăng Tử vào hỏi lại câu trên. Tăng Tử suy nghĩ một hồi rồi đáp:

- Thưa thầy, người nhân là người biết thương mình; người trí là người tự biết mình.

Khổng Tử chịu quá! Đoạn ông gọi Tử Lộ vào hỏi:

- Theo con, thế nào làngười nhân, thế nào là người trí?

Tử Lộ thưa:

- Theo con, người nhân là người làm sao cho người khác thương được mình; còn người trí là người làm sao cho người khác hiểu được mình! ...

Khổng Tử rất đỗi ngạc nhiên, ngửa mặt khen rằng:

- Bất ngờ thay! ...